Trước khi chuyển đến Ireland để theo đuổi sự nghiệp, hay đảm nhận vị trí tại những tập đoàn lớn như Apple và Paypal, hay công khai giới tính thật của mình, Maria Pentinen đã từng là một game thủ trẻ tuổi, đam mê chơi các tựa game trên console cùng cha cô và sát cánh chiến đấu bên Clan trong WoW.
“Tôi đã gắn bó với trò chơi điện tử suốt cuộc đời mình, tôi chẳng thể nhớ nổi có lúc nào niềm đam mê đó biến mất cả”, trích lời Maria, giờ là Trưởng Nhóm Trải Nghiệm Tương Tác tại văn phòng Dublin của Riot. “Công việc khiến cha tôi phải thường xuyên đi công tác, nhưng mỗi khi ở nhà, ông đều cùng tôi chìm đắm trong các trò chơi điện tử. Tôi vẫn còn nhớ như in những lần chơi cùng ông, cùng với người thân cũng như bạn bè của tôi. Do mắc chứng rối loạn lo âu xã hội nên tôi thường ít khi ra ngoài, mà chỉ ở nhà và 'bầu bạn' với trò chơi điện tử.”
Giống như bao game thủ khác lớn lên vào những năm 2000, có một tựa game đã trở thành "ngôi nhà trên mạng" của Maria. World of Warcraft, đặc biệt là vào thời đỉnh cao của nó, đã không chỉ đơn thuần là một trò chơi. Tựa game này là cả một cộng đồng, một chuyến phiêu lưu, một nơi để kết bạn và thể hiện bất kỳ bản sắc nào mà bạn muốn vun đắp trong trò chơi.
“Về cơ bản, Clan của tôi đã giúp tôi trưởng thành,” Maria cười nói. “Tôi đã bén duyên với tựa game này ngay từ khi còn nhỏ và đã kết thân được với rất nhiều bạn bè qua WoW. Mọi người thường nghĩ rằng trò chơi điện tử khiến cho tôi chỉ ở lì trong nhà và chơi nhưng thật ra, chính những người bạn tôi quen được qua trò chơi đã khuyến khích tôi đi du lịch. Tôi thường đến ghé thăm bạn bè ở các quốc gia trên khắp thế giới. Sau này, tôi đã kiếm được một công việc trong ngành trò chơi vì tôi thực sự muốn tạo ra một trải nghiệm giúp cho mọi người có được cảm giác hòa nhập như tôi trước đây.”
Vào năm 2012, Maria đã gia nhập Blizzard. Cô đã gói ghém hành trang và chuyển từ Estonia, một quốc gia tương đối nhỏ tại Đông Âu, tới Ireland để bắt đầu công việc mới.
“Khi đến Ireland, tôi vẫn còn khá e dè về giới tính thật của mình,” cô chia sẻ. “Lý do không chỉ bắt nguồn từ lĩnh vực hay nơi tôi làm việc, mà còn từ quốc gia nơi tôi sinh ra. Estonia là một quốc gia vùng Baltic, tuy không hẳn thuộc Đông Âu nhưng chúng tôi vẫn phải đối mặt với những vấn đề tương tự như ở các quốc gia mà kỳ thị đồng tính và thành kiến còn khá phổ biến. Tôi đã chứng kiến những điều đó tại chính quê hương của mình, tôi đã mất đi một vài người bạn khi công khai giới tính thật, điều đó khiến tôi bị tổn thương sâu sắc. Vì thế, khi chuyển tới Ireland, tôi vẫn chưa thoải mái chia sẻ về giới tính thật của mình.”
Những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ trên toàn thế giới hiện vẫn đang phải đối mặt với vô số vấn đề. Tuy một số quốc gia có góc nhìn cởi mở hơn với việc thể hiện bản dạng cá nhân, một số khác lại ban hành những điều luật kỳ thị người đồng tính kèm theo các hình phạt hà khắc. Vậy nhưng người kỳ thị đồng tính thì ở đâu cũng có, khác biệt chỉ nằm ở số lượng mà thôi. Theo thời gian, thái độ của mọi người đang dần thay đổi nhưng các vấn đề thì vẫn còn đó. Ngành công nghiệp game, bao gồm cả Riot, cũng đã phải đối mặt với không ít vấn đề trong những năm vừa qua.
“Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được làm việc trong lĩnh vực này, nhưng trải nghiệm thực tế đã mang đến cho tôi cảm xúc lẫn lộn,” cô thổ lộ. “Tất nhiên là tôi không hề thấy hối hận, tôi đã được gặp gỡ rất nhiều con người tuyệt vời nhưng cũng được chứng kiến 'mặt tối' của ngành công nghiệp game.”
Nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 2012 trong cả lĩnh vực trò chơi nói riêng và xã hội nói chung, thế nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để biến thế giới trở thành một nơi tuyệt vời hơn cho cộng đồng LGBTQIA+ cũng như những cộng đồng yếu thế khác.
Sự hòa hợp và đại diện là hai yếu tố quan trọng và khi được thể hiện đúng đắn, chúng sẽ mang đến tác động rõ rệt.
“Khi còn làm việc tại Apple, tôi đã nhận thấy rằng mọi thứ có thể thay đổi”, Maria nói. “Bạn có thể cởi mở về con người thật, về nửa kia của mình. Tôi có thể nói về bạn gái mình mà không khiến mọi người phát hoảng. Đó chính là lý do khiến tôi muốn làm việc cho họ bởi vì tôi nghe được rằng ở Apple, sự đa dạng và hòa hợp không chỉ là những lời nói suông, mà chúng thực sự được thể hiện qua hành động. Toàn bộ văn hóa công ty đều xoay quanh yếu tố này. Và tôi đã thực sự cảm nhận được khi làm việc ở đó. Tôi đã kết bạn với những người thuộc mọi giới tính và bản dạng giới khác nhau.
Maria đã làm việc tại Apple trong gần 7 năm. Cô đã giúp phát triển các quy trình cũng như dẫn dắt nhiều dự án, thăng tiến lên vị trí Cố Vấn Hỗ Trợ Kênh Dịch Vụ và nhận được giải thưởng AppleCare Excellence năm 2019 với danh hiệu nhân viên xuất sắc nhất. Ngay sau khi đảm nhận công việc tại Riot, cô đã hoàn thành một Dự Án Toàn Cầu cho bộ phận của mình. Đồng thời, cô được chứng kiến và cảm nhận một công ty nơi mọi người đều được chấp nhận, được phép thể hiện con người thật của mình trong môi trường làm việc.
“Cần có một số yếu tố để trở thành một công ty đa dạng và hòa hợp”, Maria giải thích. “Yếu tố đầu tiên khá đơn giản, đó là tạo ra các câu lạc bộ và hoạt động, đa số các công ty hiện nay đều đã làm tốt điều này. Điều tôi được trải nghiệm tại Apple thuộc một cấp độ hoàn toàn mới, tôi đã chứng kiến các cá nhân thay đổi nhờ văn hóa công ty. Có những người không hề biết gì về cộng đồng LGBTQIA+, không ủng hộ, thậm chí còn có thành kiến. Nhưng họ đã dần thay đổi nhờ được chứng kiến sự chấp nhận của mọi người xung quanh.”
Tuyển mộ những cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQIA+ là một điều cực kỳ quan trọng. Nhưng dẫu sao thì trong một công ty có hàng nghìn nhân viên, đa số họ sẽ không thuộc cộng đồng LGBTQIA+. Đây chính là điều mà "nhóm đồng minh" hướng đến.
“Đôi khi, nếu bạn có một cộng đồng nhỏ trong công ty, thì đó chẳng khác gì 'tự hát tự khen hay' cả”, Maria tiếp tục chia sẻ. “Nhưng đối với những cá nhân không thuộc cộng đồng, họ chẳng hề biết về sự tồn tại của các hoạt động đó. Phương thức tiếp cận của Apple có tính tự nhiên hơn, được xây dựng để bất kỳ ai cũng có thể trở thành đồng minh. Đây chính là điểm khác biệt, tôi được chứng kiến những con người bên ngoài cộng đồng mong muốn trở thành các đồng minh tích cực, thảo luận về các vấn đề và không ngần ngại ủng hộ những cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQIA+.”
Văn hóa công ty là một điều khó có thể diễn tả trọn vẹn. Nhưng đây chính là văn hóa công ty đích thực và là hình mẫu đáng để noi theo. Văn hóa công ty là cùng nâng tầm cuộc sống của mọi người xung quanh, đặc biệt là những cá nhân từ các cộng đồng yếu thế. Là tương trợ lẫn nhau. Và là học hỏi từ trải nghiệm của nhau theo cách cởi mở và hòa hợp. Văn hóa có thể thay đổi theo từng công ty, từng văn phòng hoặc thậm chí từng đội nhóm.
Tại Riot, chúng tôi cũng tập trung vào văn hóa công ty của mình. Quan niệm đặt người chơi lên hàng đầu đã là nguồn động lực thúc đẩy công ty của chúng tôi suốt hơn một thập kỷ qua. Nhưng văn hóa của chúng tôi không ngừng phát triển khi chúng tôi lớn mạnh, học hỏi và chiêu mộ thêm nhân tài mới, như Maria.
“Sau trải nghiệm đầu tiên của mình, tôi không chắc rằng liệu mình có dám quay trở lại với ngành game nữa không”, Maria bộc bạch. “Tôi đã cảm thấy khá lo lắng khi trở lại do những tin tức được lan truyền, các tin đồn tôi nghe được và những điều chính tôi đã từng trải qua. Nhưng bạn bè đã chia sẻ với tôi rằng Riot thực sự là một môi trường làm việc tuyệt vời và tuy rằng vẫn còn đôi chút sợ hãi, lo lắng, tôi đã quyết định cho Riot một cơ hội và giờ tôi đã ở đây.”
Maria gia nhập Riot vào tháng 3 năm 2022. Mặc dù mới chỉ làm việc tại đây được vài tháng, cô đã tham gia vào rất nhiều hoạt động.
“Điều đầu tiên tôi làm sau khi gia nhập Riot là liên hệ với quản lý bộ phận Đa Dạng và Hòa Hợp để có thể ngay lập tức tham gia vào các hoạt động của họ”, Maria chia sẻ. “Khi các hoạt động tôn vinh Pride của chúng tôi bắt đầu, tôi chính là một thành viên trong đội ngũ thực hiện chúng. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi được kết nối và cùng hợp tác với những Rioter từ các văn phòng khác và tôi yêu thích việc có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động”.
Tại Riot, Pride là một sự kiện toàn cầu để các văn phòng của chúng tôi trên khắp thế giới triển khai hoạt động, tạo nguồn lực và cùng nhau ăn mừng. Nhưng mặc dù 2022 đã là năm tôn vinh Pride lớn nhất của chúng tôi cho tới nay, chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều cần làm.
“Riot vẫn cần nỗ lực hơn về khía cạnh hoạt động nhóm đồng minh”, Maria nói. “Những cá nhân bên ngoài cộng đồng LGBTQIA+ không được tiếp xúc nhiều với khái niệm này, nhất là khi không có ai trong nhóm của họ tham gia các hoạt động Đa Dạng và Hòa Hợp hoặc là thành viên trong cộng đồng. Tôi cảm thấy còn rất nhiều cơ hội để tạo ra những đồng minh mới cho cộng đồng LGBTQIA+ cũng như các nhóm thiểu số khác.”
Thay đổi văn hóa công ty không thể diễn ra trong một sớm một chiều, đó là một sự chuyển dịch chậm rãi, luôn hướng tới việc trở nên tốt hơn nữa. Nhưng đây là một sự chuyển dịch cần được thực hiện và cần xuất phát từ mọi văn phòng, mọi đội nhóm và mọi Rioter.